Các loại thuế sau khi thành lập doanh nghiệp cần lưu ý, đối với các công ty không sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không thuê đất của nhà nước, không trực tiếp thực hiện xuất nhập khẩu sẽ phải nộp các loại thuế cơ bản sau đây.

Đầu tiên ta sẽ phải hiểu định nghĩa về Thuế đã nhé.
Thuế là gì?
Thuế là một khoản thu bắt buộc đối với các cá nhân, tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung.
Việc không trả tiền, cùng với việc trốn tránh hoặc chống lại việc nộp thuế, sẽ bị pháp luật trừng phạt.
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập công ty, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp phải tiến hành hồ sơ khai thuế ban đầu với cơ quan thuế, đồng thời quan tâm đến các khoản thuế sau:
Các loại thuế sau khi thành lập doanh nghiệp cần lưu ý
1. Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài hay còn được gọi là thuế môn bài (lệ phí kinh doanh) dù chưa phát sinh hoạt động kinh doanh nào, nhưng doanh nghiệp cũng phải đóng sau khi có Giấy phép kinh doanh. Loại thuế này được đóng hằng năm.
Theo mức đóng quy định tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP doanh nghiệp mới thành lập được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu.
Thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài theo Khoản 1, Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP được quy định như sau:
Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tức là, doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) cùng được thành lập mới năm 2022 thì phải nộp tờ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01/2023.
Và tờ khai lệ phí môn bài chỉ kê khai 1 lần.
2. Thuế Giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng (VAT) hay còn gọi là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông và buôn bán hàng hóa đến tiêu dùng.
Nói dễ hiểu hơn, là sau khi thành lập, doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh những giao dịch mới thực hiện đóng thuế GTGT.
Có 3 mức thuế GTGT phổ biến hiện nay là 0%, 5%, 10%.
Thuế giá trị gia tăng này được tính theo 1 trong 2 phương pháp là: phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Riêng doanh nghiệp mới hoạt động sẽ nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ.
Vì vậy ở đây mình sẽ chỉ để cập đến phương pháp khấu trừ.
Phương pháp khấu trừ thì số thuế sẽ được tính như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào
Nếu thuế GTGT đầu ra lớn hơn đầu vào thì DN phải nộp phần chênh lệch đó. Ngược lại, nếu GTGT đầu ra nhỏ hơn đầu vào thì DN sẽ được khấu trừ phần chênh lệch ở kỳ tính thuế tiếp theo.
Ví dụ: Công ty A mua máy quạt có giá là 1.000.000 đồng (trong đó VAT = 100.000 đồng). Sau đó, công ty A bán quạt đó cho công ty B với giá bán là 1.700.000 đồng, trong đó VAT = 170.000 đồng. Như vậy:
– Thuế GTGT đầu ra = 170.000 đồng
– Thuế GTGT đầu vào = 100.000 đồng
Vậy, số thuế GTGT phải nộp = 170.000 – 100.000 = 70.000 đồng

Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng
Có 2 kỳ kê khai tính thuế GTGT là kỳ tính thuế GTGT theo tháng hoặc theo quý, tuỳ thuộc doanh thu của doanh nghiệp, hình thức hoạt động,.. mà có hình thức kê khai phù hợp.
Riêng doanh nghiệp mới thường sẽ kê khai nộp thuế GTGT theo quý.
+ Thời hạn nộp thuế GTGT theo quý là ngày nộp thuế chậm nhất vào ngày 30 tháng đầu quý sau liền kề.
+ Thời hạn nộp thuế GTGT theo tháng là ngày nộp thuế chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng.
3. Thuế Thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là loại thuế mà người lao động phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ.
Bình thường thuế thu nhập cá nhân này, doanh nghiệp sẽ trích nộp thay cho người lao động, sau đó mới đưa tiền lương. Tức là tiền lương người lao động nhận được, là đã trừ khoản thuế thu nhập cá nhân.
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN * Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ
• Thu nhập chịu thuế TNCN là tổng TNCN nhận được từ công ty chi trả
• Các khoản giảm trừ bao gồm:
+ Giảm trừ gia cảnh theo Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14:
Đối với bản thân là 11.000.000 đồng/người/tháng.
Đối với người phụ thuộc là 4.400.000 đồng/người/tháng.
+ Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.
+ Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Thuế suất dựa vào bảng thu nhập tính thuế dưới đây:
Thời hạn nộp khai thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP
– Khai thuế theo từng lần phát sinh: Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế
– Khai thuế và nộp theo tháng: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
– Khai thuế và nộp theo quý: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
– Khai thuế theo năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính
4. Thuế Thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = Giá tính thuế TNDN * Thuế suất
Thuế suất thuế TNDN được căn cứ theo điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC
– Mức thuế suất 20% áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam. (Không phân biệt mức doanh thu)
– Mức thuế suất từ 32% – 50% sẽ áp dụng cho những doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam. Căn cứ vào vị trí khai thác, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ doanh nghiệp có dự án đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí gửi hồ sơ dự án đầu tư đến Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể cho từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
– Mức thuế suất 50% sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm. Ví dụ: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm trừ dầu khí…
– Trường hợp các mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 40%.
Trường hợp miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Mình sẽ biết bài miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại bài viết chi tiết sau hoặc bạn có thể tham khảo tại Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC và điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP và điều 11, 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Leave a Reply