Lệ phí môn bài hay còn gọi là thuế môn bài, hiểu đơn giản là mức thuế doanh nghiệp phải đóng hàng năm dựa vào vốn điều lệ được ghi trên giấy phép kinh doanh. Các quy định về thuế môn bài khá nhiều và rõ ràng, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng biết rõ về các bậc thuế, thời gian nộp và các quy định xử phạt về thuế môn bài.

1. Lệ phí môn bài là gì?
– Lệ phí môn bài là một sắc thuế trực thu và thường là định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Hiểu đơn giản, đây là mức thuế doanh nghiệp phải nộp hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
– Mức thu phân theo bậc, dựa vào số vốn đăng ký; doanh thu của năm kinh doanh kế trước hoặc giá trị gia tăng của năm kinh doanh kế trước tùy quốc gia/địa phương
2. Mức đóng lệ phí môn bài
Theo mức đóng quy định tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC.mức thuế, bậc lệ phí môn bài phải đóng đối với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ năm 2022 được thể hiện dưới bảng sau:

Tuy nhiên, nếu công ty được thành lập trước ngày 30/06 hàng năm thì công ty phải đóng thuế theo mức cả năm. Nhưng trường hợp công ty được thành lập từ ngày 01/07 hàng năm đến 31/12 hàng năm chỉ phải đóng ½ mức thuế môn bài năm thành lập.
Tuy nhiên theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP doanh nghiệp mới thành lập được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu.
Vậy có ai thắc mắc là vậy, có trường hợp nào không phải đóng loại thuế môn bài này không, thì câu trả lời là có nha. Cùng tìm hiểu bên dưới nhé ⇓
3. Trường hợp miễn lệ phí môn bài
Không phải doanh nghiệp nào cũng phải đóng lệ phí môn bài, một số trường hợp doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài được quy định cụ thể tại Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP như sau:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
7. Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
Bổ sung thêm khoản 1 điều 1 của Nghị định 22/2020/NĐ-CP và khoản 2 điều 1 thông tư 65/2020/TT-BTC.
8. Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập
9. Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
10. Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập
4. Thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài
Theo Khoản 1, Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP: “Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Như vậy: Doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) cùng được thành lập mới năm 2022 thì phải nộp tờ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01/2023;
Lưu ý: Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn điều lệ thì doanh nghiệp phải nộp tờ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
Ví dụ: Trong năm 2022 doanh nghiệp có điều chỉnh, tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ lên 2 tỷ đồng thì chậm nhất ngày 30/01/2023, doanh nghiệp phải tiến hành nộp tờ khai lệ phí môn bài.
Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp tờ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Và tờ khai lệ phí môn bài chỉ kê khai 1 lần.
5. Thời hạn nộp lệ phí môn bài
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì:
Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm
– Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
- Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn. (vd năm 2022 là chậm nhất là 30/07/2022)
- Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn. (vd năm 2022 là chậm nhất là 30/01/2023)
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
- Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động.
- Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm ra hoạt động.
Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý điều này nhé, theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP doanh nghiệp mới thành lập được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu.
7. Mức phạt chậm nộp tờ khai và tiền lệ phí môn bài
Căn cứ vào Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 quy định mức phạt hành chính đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại mục (1) nêu trên.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày hoặc nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài trễ hơn thời hạn thì mức phạt nộp chậm tính theo điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Số tiền chậm nộp = Mức lệ phí môn bài x 0.05% x Số ngày chậm nộp
8. Hạch toán lệ phí môn bài
– Bước 1: Nộp tờ khai lệ phí môn bài
+Hạch toán thuế môn bài theo thông tư 133:
Nợ TK 6422: Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 3338: Các loại thuế khác (Chi tiết 33382)
+Hạch toán thuế môn bài theo thông tư 200:
Nợ TK 6425: Thuế, phí và lệ phí
Có TK 3338: Các loại thuế khác (Chi tiết 33382)
– Bước 2: Khi nộp tiền lệ phí môn bài vào ngân sách nhà nước
+Hạch toán nếu nộp thuế bằng tiền mặt:
Nợ TK 3338: Các loại thuế khác (Chi tiết 33382)
Có TK 111
+Hạch toán nếu nộp thuế bằng tiền gửi ngân hàng:
Nợ TK 3338: Các loại thuế khác (Chi tiết 33382)
Có TK 112
Trường hợp bị phạt chậm nộp lệ phí môn bài thì hạch toán như sau:
– Khi nhận quyết định xử phạt của Cơ quan thuế
Nợ TK 811: Chi phí khác
Có TK 3339: Phí lệ phí và các khoản phải nộp
– Khi nộp tiền phạt
Nợ TK 3339: Phí lệ phí và các khoản phải nộp
Có TK 111/112
– Cuối kỳ kết chuyển
Nợ TK 911
Có TK 811
9. Kết luận
Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng và cần thiết về lệ phí môn bài mới nhất 2022, hy vọng những chia sẻ của mình sẽ luôn bổ ích với các bạn. Hanna.
Leave a Reply