Khi tiến hành đăng ký tên thành lập công ty, hiện nay số lượng thành lập doanh nghiệp rất nhiều nên không tránh khỏi tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp khác. Để thuận tiện trong việc đăng ký hồ sơ thành lập và không bị từ chối. Sau đây mình sẽ hướng dẫn các bạn biết được một số cách giúp các bạn tránh được một số sai sót khi đặt tên doanh nghiệp mình.
MỤC ĐỌC NHANH
1. Phân biệt tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn
2. Trường hợp tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn
3. Điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp
4. Một số ngoại lệ
5. 4 Cách kiểm tra tên doanh nghiệp trùng hoặc tên gây nhầm lẫn
Tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn là gì?
– Tên doanh nghiệp trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
– Tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn là những trường hợp tên của doanh nghiệp có những điểm giống và trùng lặp dẫn đến việc có thể gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Vậy tên doanh nghiệp trùng thì không còn gì phải nói đến nữa vì nó được viết lại hoàn toàn giống với tên đã được thành lập trước đó, còn tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn thì chúng ta cùng tìm hiểu xem nó có những trường hợp nào nhé.
Những trường hợp tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn
Căn cứ điều 41 luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn được quy định như sau:
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH MI LINH đã được đăng ký trước đó
Thời điểm hiện tại, bạn dự định đặt tên: CÔNG TY TNHH MY LINH.
Vậy đăng ký tên Công ty TNHH My Linh là không được, vì cách đọc giống với tên đã đăng ký trước đó gây nhầm lẫn.
2. Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH PHÚ THUẬN – Tên viết tắt: PT CO.,LTD đã đặt tên trước đó.
Thời điểm hiện tại, bạn dự định đặt tên: CÔNG TY TNHH PHÚC THIÊN – Tên viết tắt: PT CO.,LTD
Việc đăng ký tên viết tắt đối với công ty Phúc Thiên là không được vì tên viết tắt trùng gây nhầm lẫn.
Về cơ bản, theo quy định của Pháp luật tên tiếng nước ngoài và Tên viết tắt không bắt buộc phải có đối với việc đặt tên công ty. Trong trường hợp này Khách hàng có thể bỏ cả tên viết tắt, hoặc thay đổi tên tiếng Việt để có tên viết tắt không bị trùng.
3. Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH PHƯƠNG UYÊN –Có tên nước ngoài PHUONG UYEN COMPANY LIMITED đã đăng ký trước đó.
Thời điểm hiện tại, bạn dự định đặt: CÔNG TY TNHH PHƯỢNG UYÊN – Tên nước ngoài: PHUONG UYEN COMPANY LIMITED
Việc đăng ký tên đối với công ty Phượng Uyên là không được, tên tiếng nước ngoài đã bị trùng.
Trong trường hợp này, bạn phải đặt lại tên tiếng Việt để có tên tiếng nước ngoài không bị trùng.
4. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH SAO MAI là công ty đã được đăng ký tên trước đó.
Thời điểm hiện tại bạn dự định đặt tên: CÔNG TY TNHH SAO MAI 01.
Vậy đăng ký tên Công ty TNHH Sao Mai 01 là không được vì tên gây nhầm lẫn cho nhau.
5. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH TRANG KHÁNH là công ty đã được đăng ký tên trước đó.
Thời điểm hiện tại bạn dự đặt tên: CÔNG TY TNHH TRANG & KHÁNH.
Vậy đăng ký tên Công ty TNHH Trang & Khánh là không được vì tên gây nhầm lẫn cho nhau.
6. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI TRANG KHÁNH và CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI TÂN TRANG KHÁNH
7. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH KIM CHI và CÔNG TY TNHH KIM CHI MIỀN TRUNG
8. Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
CÔNG TY TNHH PHÚC THIÊN và CÔNG TY CỔ PHẦN PHÚC THIÊN
Lưu ý: Các trường hợp từ số 4 đến 8 không áp dụng đối với công ty con của công ty đã đăng ký.
3 điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp
Căn cứ vào Điều 38 luật Doanh nghiệp 2020
Thứ 1: Những trường hợp đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký mình đã đề cập ở trên.
Thứ 2: Cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó
Thứ 3: Cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, chứa từ nhạy cảm.
Một số ngoại lệ khi đặt tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn
Căn cứ vào Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp sẽ có một số ngoại lệ khi đặt tên doanh nghiệp trùng và gây nhầm lẫn như sau:
– Không đăng ký tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
– Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để tránh tên doanh nghiệp bị trùng, nhầm và vi phạm quy định về đặt tên doanh nghiệp, ý kiến Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
– Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 được tiếp tục sử dụng tên doanh nghiệp đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên doanh nghiệp trong trường hợp có tên trùng, tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp.
4 Cách đặt tên tránh dính tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn
Trên thực tế, dù quy định khá rõ ràng, nhưng đôi khi các doanh nghiệp vấn không tránh khỏi việc nhầm lẫn hay trùng tên do Việt Nam có hàng ngàn doanh nghiệp khác nhau.
Do vậy, nếu không muốn dính tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn, bạn cần tiến hành tra cứu tên của công ty mà mình dự định đặt xem có giống hay trùng với công ty khác hay không. Từ đó, chọn được tên công ty phù hợp và duy nhất cho doanh nghiệp mình.
Đừng lo sau đây mình sẽ hướng dẫn 3 cách tra cứu tránh đặt tên doanh nghiệp trùng và tên gây nhầm lẫn cho các bạn
Cách 1. Tra tên doanh nghiệp trên google
Cách này có lẽ là đơn giản nhất, chỉ cần lên google gõ tên công ty bạn xem có công ty nào đã đặt chưa. Nhưng cách này sẽ không chính xác lắm.
Cách 2. Tra tên doanh nghiệp trên Cổng thông tin về ĐKDN
Bước 1: Truy cập Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp
Bước 2: Nhập tên riêng của công ty vào thanh tìm kiếm doanh nghiệp.

Nếu không xuất hiện tên công ty nào thì tên dự kiến đặt không bị trùng. Tuy vậy, nhưng một vài trường hợp mình gõ tên nhưng nó không hiển thị như hình bên dưới mặc dù đã có doanh nghiệp có tên tương tự.

Vậy nên cùng tìm hiểu qua cách số 3 sau đây sẽ hiển ra đầy đủ hơn nhé.
Cách 3. Tra tên doanh nghiệp trên Cổng thông tin về DVTT

Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về Dịch vụ thông tin
Bước 2: Ở đây mình đã đưa các bạn tới link chọn tab Thông tin về một doanh nghiệp cụ thể rồi nhé.
Tại đây bạn chỉ cần gõ tên công ty bạn muốn tìm kiếm vào “Tên doanh nghiệp” và bấm chọn “Tìm kiếm”
Kết quả là nó sẽ liệt kê tất cả các tên doanh nghiệp liên quan có chứa tên bạn đang gõ, hoặc không hiển thị nếu không có tên doanh nghiệp nào trùng với tên bạn.
Trường hợp có tên doanh nghiệp giống tên bạn dự định đặt, bạn có thể thêm một vài từ như ngành nghề của bạn (thương mại dịch vụ, xây dựng, sản xuất,…) vào trước tên riêng doanh nghiệp, hoặc thêm địa chỉ phía sau tên riêng doanh nghiệp (Bình Dương, Sài Gòn,…) như để nó khác đi, nhưng đồng thời cũng đáp ứng không nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác và hợp pháp nhé.
Cách 4. Tra tên doanh nghiệp tại tk đăng ký kinh doanh
Cách 4 đòi hỏi bạn phải có một tài khoản trên Cổng thông tin, cách này tuy hơi phức tạp một chút nhưng cực kỳ chính xác.

Nếu muốn kiểm tra chính xác nhất và dành cho những ai làm dịch vụ thành lập, thay đổi hồ sơ,… trên đăng ký kinh doanh thì sẽ cần đăng ký tài khoản
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản của bạn
Bước 2: Làm tương tự như bước nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh online
Chọn Đăng ký doanh nghiệp ->Nộp hồ sơ sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh -> Tiếp theo -> Thành lập mới doanh nghiệp/ đơn vị trực thuộc -> Tiếp theo
Tại đây nếu công ty bạn muốn thành lập là loại hình doanh nghiệp nào thì chọn doanh nghiệp đó -> Tiếp theo

Rồi chọn Bắt đầu

Tại đây, chọn tab Tên doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc -> Sau đó gõ tên bạn dự định đặt -> Sau đó chọn Kiểm tra trùng tên
Nếu không hiện ra tên doanh nghiệp nào, nghĩa là không trùng tên với doanh nghiệp nào.
Nhưng nếu nó hiện ra báo trùng thì làm tương tự như cách 3 mình nói ở trên
Trên đây là một vài kiến thức mà mình tổng hợp lại được trong quá trình làm việc và học tập của mình. Hy vọng hữu ích cho các bạn.
Nếu các bạn còn thắc mắc thì liên hệ với mình nhé.
Hanna.
Leave a Reply